Gỏi chả lụa là một món ăn giải ngấy tuyệt vời mà không cầu kỳ, chỉ cần vài nguyên liệu như chả lụa, rau củ và nước sốt trộn là đã có ngay một đĩa gỏi hấp dẫn để chiêu đãi gia đình và bạn bè. Trong bài viết dưới đây, 36 Foods sẽ gợi ý 6 cách làm gỏi chả lụa độc đáo, đơn giản, đảm bảo sẽ chinh phục được “thực khách” khó tính nhất!
1. Cách làm nộm giò lụa dưa chuột
1.1. Nguyên liệu chuẩn bị
- 500g giò lụa
- 3 quả dưa chuột
- 1 củ cà rốt
- 50g đậu phộng rang
- Rau húng, rau mùi
- 3 quả chanh
- 5 quả ớt
- 2 củ tỏi
- 2 củ hành tím
- Gia vị: nước mắm, đường, tương ớt

1.2. Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Dưa chuột chẻ đôi, dùng thìa nạo bớt hạt đi. Sau đó cắt thành sợi mỏng dài, hình dạng tùy theo sở thích của bạn. Cà rốt cũng cắt tương tự như vậy, bỏ cùng với dưa chuột đã cắt, bỏ thêm 1 thìa muối và 1 thìa đường rồi bóp đều. Để thau này sang 1 bên để dưa chuột và cà rốt ra bớt nước.
Giò lụa thái thành từng khoanh rồi thái mỏng. Hành tím cắt lát, tỏi bóc vỏ, cắt lát và băm nhỏ. Ớt làm tương tự như vậy. Rau thơm, bạc hà và rau mùi cũng thái nhỏ.
Phần dưa chuột và cà rốt đã ngâm muối đường một lúc sẽ ra rất nhiều nước. Xả nước vào rửa lại để cho giảm độ mặn. Rửa một vài nước rồi để lên giá cho ráo nước.

Bước 2: Làm hành phi
Cho 1 thìa bột chiên giòn vào hành tím và trộn đều, việc này sẽ giúp khi phi hành sẽ giòn hơn. Khi dầu đã sôi thả hành vào chiên đến khi hành có màu vàng, có độ cứng thì vớt ra để ráo dầu.

Bước 3: Làm nước sốt trộn gỏi
Cho 4 thìa nước mắm, 4 thìa đường, 4 thìa nước cốt chanh, 1 thìa tương ớt. Khi đường tan hết và hỗn hợp trộn đều có dạng sệt sệt thì bỏ tỏi ớt băm vào.

Bước 4: Trộn gỏi
Cho dưa chuột và cà rốt đã vắt ráo vào tô lớn, rưới từ từ nước sốt trộn gỏi lên rồi dùng tay bóp nhẹ để rau củ thấm đều. Sau khoảng 1 phút, khi nguyên liệu đã ngấm vị, tiếp tục cho giò lụa vào, rưới thêm 4–5 thìa nước sốt và trộn đều để từng miếng giò lụa phủ đều lớp sốt đậm đà.
Sau đó, xếp rau củ và giò lụa ra đĩa, thêm dưa rau thơm, hành khô phi sẵn, lạc rang giã dập rồi rưới phần nước sốt còn lại lên trên. Trộn đều tất cả để hòa quyện hương vị, cuối cùng rắc thêm một chút hành phi để món gỏi thơm ngon, hấp dẫn hơn.

2. Cách làm gỏi chả lụa nem chua
2.1. Nguyên liệu chuẩn bị
- 1 cái nem chua cối hoặc 10 cái nem chua con
- 2 quả dưa chuột
- 5 quả cà pháo
- 500g chả lụa
- Nửa củ cà rốt
- Nước mắm, đường
- Tỏi, ớt
- 2 củ hành tím
- Rau thơm: bạc hà, rau răm
- Vừng
- Dấm
- Phồng tôm

2.2. Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Nem chua bỏ vỏ, thái thành dạng đũa với độ dài tùy theo khổ của nem hoặc tầm 6-8cm. Dưa chuột bổ dọc làm 4 rồi nạo hết hạt đi, cắt làm ba hoặc tư cho phù hợp độ dài của nem. Cà pháo chọn quả to, bổ làm đôi rồi thái mỏng. Chả lụa thái mỏng với chiều dài tương tự nem và dưa. Cà rốt nạo vỏ, thái chỉ đều tay.
Tỏi bóc vỏ đem băm nhuyễn với ớt đã bỏ hạt. Hành tím bỏ vỏ rửa sạch rồi thái lát nhỏ. Các loại rau thơm rửa sạch với nước, ngâm muối, rửa lại rồi để ráo nước.

Bước 2: Pha nước sốt
100 ml nước mắm pha với 500 ml nước sôi để nguội. Các bạn có thể tăng lượng nước mắm lên hay giảm đi tùy thuộc vào độ mặn của loại nước mắm bạn dùng. Sau đó hãy thêm 3 thìa đường, cho lên bếp đun nhỏ lửa. Khi đun nhớ đảo đều để các loại gia vị tan ra hòa quyện với nhau. Nước sốt cơ bản này để nguội bớt, thêm 2 thìa dấm rồi cho vào hỗn hợp tỏi ớt xay nhuyễn trước đó, thả thêm chút hành tím thái lát vào rồi khuấy đều.

Bước 3: Trộn gỏi
Lấy một cái âu lớn đổ toàn bộ nguyên liệu đã sơ chế vào (nem chua, dưa chuột, chả lụa, cà pháo, cà rốt), rưới nước sốt lên vừa đủ rồi bóp gỏi. Tránh cho quá nhiều sốt khiến cho món gỏi bị chảy nước ăn sẽ không chuẩn vị nữa. Để hỗn hợp trong 10 phút cho thấm gia vị sốt rồi cho ra đĩa. Rải thêm một chút vừng và cho vài cọng rau mùi lên trên cùng để trang trí.

Bước 4: Thưởng thức
Món gỏi chả lụa nem chua sẽ ngon hơn nếu các bạn dùng luôn sau khi chế biến. Thức ăn kèm có thể bao gồm phồng tôm đã chiên phồng, nước sốt đã pha ở trên. Mùi vị chua cay mặn ngọt hòa lẫn với những mùi vị khác nhau của các nguyên liệu tổng hòa thành một món ăn thơm ngon, mát mẻ và rất dễ chế biến.

3. Cách làm gỏi giò nạc tôm xoài
Gỏi chả lụa tôm xoài là món ăn khai vị lý tưởng cho những bữa cơm ngày hè. Sự kết hợp giữa xoài chua nhẹ, tôm luộc ngọt thịt, chả lụa béo thơm cùng rau thơm và nước xốt chua ngọt sẽ mang đến hương vị hài hòa, dễ ăn, không ngán. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách làm món gỏi hấp dẫn này:
3.1. Nguyên liệu chuẩn bị
- Xoài xanh
- Tôm tươi
- Chả lụa
- Ớt chuông đỏ
- Hành phi
- Chà bông
- Đậu phộng
- Tỏi
- Ớt
- Nước mắm

3.2. Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Xoài: Gọt vỏ, cắt lát rồi thái sợi nhỏ. Nên chọn xoài vừa chín tới để giữ được vị chua ngọt hài hòa.
- Tôm: Luộc chín tới với một ít muối, sau đó bóc vỏ và để ráo.
- Chả lụa: Cắt lát mỏng rồi thái sợi vừa ăn.
- Ớt chuông: Bỏ ruột, thái sợi để tăng màu sắc và độ giòn cho món gỏi.
- Rau thơm: Nhặt sạch, rửa kỹ và để ráo. Có thể dùng rau răm, húng quế, ngò gai tùy khẩu vị.
Bước 2: Pha nước sốt trộn gỏi
Chuẩn bị chén nhỏ, pha theo tỉ lệ: 1 phần nước lọc, 2 phần nước mắm và 3 phần đường. Khuấy đều cho tan, sau đó thêm tỏi băm, ớt băm và nước cốt chanh tùy khẩu vị. Nước xốt đạt chuẩn là có vị chua ngọt dịu, mặn nhẹ và cay vừa.
Bước 3: Trộn gỏi
Cho tất cả nguyên liệu gồm xoài sợi, ớt chuông, cà rốt sợi (nếu có), chả lụa, tôm luộc và rau thơm vào thau lớn. Rưới đều nước xốt lên rồi trộn nhẹ tay để giữ độ giòn và tránh làm nát nguyên liệu. Để gỏi thấm gia vị khoảng 5 phút.
Bước 4: Hoàn thiện và thưởng thức
Bày gỏi ra đĩa, rắc thêm đậu phộng rang giã dập nếu thích. Món gỏi chả lụa tôm xoài dùng ngay sẽ giữ trọn hương vị thanh mát, giòn ngon, rất thích hợp trong các bữa tiệc nhẹ hoặc bữa cơm gia đình.
4. Cách làm gỏi chả lụa với rau tiến vua
4.1. Nguyên liệu chuẩn bị
- Rau tiến vua khô: 50g
- Chả lụa: 2 khoanh (dày khoảng 2cm)
- Cà rốt: 1 củ nhỏ
- Rau răm: một ít
- Đậu phộng rang: vừa đủ
- Hành phi: vừa đủ
- Nước mắm trộn gỏi: đường, nước mắm, nước cốt chanh (tỉ lệ 1:1:1):
- Tỏi, ớt: băm nhuyễn

4.2. Các bước thực hiện
Gỏi rau tiến vua chả lụa là món ăn thanh mát, hấp dẫn với vị giòn đặc trưng của rau tiến vua kết hợp cùng chả lụa mềm thơm, rau răm và nước mắm chua ngọt. Đây là lựa chọn tuyệt vời cho những ngày cần đổi vị, chống ngán hiệu quả.
Bước 1: Sơ chế rau tiến vua
Rửa sạch rau tiến vua khô để loại bỏ bụi. Ngâm rau trong nước lạnh khoảng 3 tiếng, thay nước nhiều lần nếu thấy nước ngả màu vàng. Khi rau nở, cắt khúc vừa ăn, rồi ngâm tiếp trong nước đá lạnh pha nước cốt 1/2 quả chanh khoảng 10 phút để rau giòn hơn. Sau đó vắt nhẹ và để ráo.

Bước 2: Chuẩn bị nguyên liệu khác
Cà rốt thái sợi mỏng, trộn với ít muối, bóp nhẹ rồi vắt ráo. Sau đó thêm chút giấm để cà rốt có vị chua dịu và giảm độ hăng. Chả lụa cắt thành sợi mỏng. Rau răm nhặt sạch, cắt nhỏ.
Bước 3: Pha nước mắm trộn gỏi
Trộn theo tỉ lệ 1:1:1 gồm đường, nước mắm và nước cốt chanh. Thêm tỏi, ớt băm để nước trộn gỏi có vị chua ngọt cay nhẹ, đậm đà và dậy mùi thơm.
Bước 4: Trộn gỏi
Cho rau tiến vua, cà rốt, chả lụa và rau răm vào tô lớn. Rưới nước mắm đã pha lên và trộn nhẹ tay để nguyên liệu ngấm đều. Để gỏi nghỉ khoảng 5 phút cho thấm vị.

Bước 5: Hoàn thiện món ăn
Bày ra đĩa, rắc thêm hành phi và đậu phộng rang giã dập lên trên để tăng độ giòn, vị bùi thơm. Gỏi nên dùng ngay sau khi trộn để giữ trọn hương vị tươi mát, hấp dẫn.
Không dùng nước nóng khi ngâm rau tiến vua để tránh làm mất độ giòn. Cà rốt nên sơ chế kỹ để không bị hăng và giúp gỏi tròn vị hơn.
5. Cách làm nộm chả lụa hoa chuối
5.1. Nguyên liệu chuẩn bị
Nguyên liệu cho 6 phần ăn
- 1 cái hoa chuối
- 1 kg đá lạnh
- 1/2 chai dấm
- 1 củ tỏi
- 1 lạng Giá đỗ
- 1 lạng giò lụa
- 50 g Lạc rang
- Đường
- Mắm
- Chanh
5.2. Các bước thực hiện
Nộm hoa chuối giò lụa là món ăn dân dã, dễ chế biến nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ ở khâu sơ chế để giữ được độ giòn, vị thanh và màu sắc đẹp mắt. Dưới đây là hướng dẫn cách làm món nộm hoa chuối giò lụa ngon đúng chuẩn.
Bước 1: Sơ chế hoa chuối
Hoa chuối là nguyên liệu mất thời gian nhất. Trước khi thái, chuẩn bị một âu nước lạnh pha dấm (khoảng 1/3 chai) và vài viên đá để ngâm. Dùng dao inox thái hoa chuối thật mỏng, đến đâu thả ngay vào chậu nước dấm đá để tránh thâm. Bỏ phần lõi và hoa vụn li ti vì nhiều nhựa và ăn không ngon. Sau đó, rửa lại thật kỹ nhiều lần với nước sạch và ngâm tiếp với dấm đá để hoa chuối trắng giòn.
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu khác
Rửa sạch rau thơm, giá đỗ. Giò lụa thái sợi mỏng. Tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn. Rang lạc chín vàng, sát bỏ vỏ rồi giã dập.
Bước 3: Pha nước trộn nộm
Đun nước đường cho tan hoàn toàn, sau đó cho nước mắm vào để khử mùi nồng. Khi hỗn hợp nguội, thêm dấm và tỏi băm vào, nêm nếm lại cho vừa miệng với vị chua – ngọt – mặn hài hòa.
Bước 4: Trộn nộm
Khi gần ăn, vớt hoa chuối ra vẩy khô rồi cho vào âu lớn. Thêm rau thơm, giá đỗ, giò lụa thái sợi, ớt thái nhỏ (bỏ hạt) và một nửa phần lạc đã giã. Trộn đều với nước trộn nộm đã pha. Cuối cùng, bày ra đĩa và rắc phần lạc còn lại lên trên.
Nộm hoa chuối giò lụa ăn kèm cơm hoặc dùng làm món khai vị đều rất ngon. Món này đặc biệt phù hợp cho những ngày hè oi nóng nhờ vị chua ngọt, giòn mát, thanh nhẹ và không ngấy.

6. Cách làm gỏi giò lụa với sứa
Gỏi sứa chả lụa là món ăn thanh mát, dễ làm và rất hợp với những ngày nắng nóng. Để có món gỏi sứa chả lụa giòn ngon, hấp dẫn, bạn cần chuẩn bị sẵn các nguyên liệu: sứa sơ chế, chả lụa thái mỏng, hành tây, cà rốt, bắp cải, vừng rang và các gia vị pha nước trộn gỏi như nước mắm, đường, chanh, tỏi, ớt.
6.1. Nguyên liệu chuẩn bị
Nguyên liệu cho 6 phần ăn
- 1 củ cà rốt
- 1 củ hành tây
- 200g sứa
- 50g mè vàng
- Rau răm, đường, chanh, nước mắm, bột nêm
- 200g bắp cải
- 100g giò lụa

6.2. Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sứa rửa nhiều lần bằng nước lọc để khử mặn, sau đó chần qua nước sôi và thái miếng vừa ăn. Hành tây sau khi thái mỏng thì ướp với đường và nước cốt chanh rồi cho vào ngăn đá vài phút để hành giòn, đỡ hăng, sau đó rửa lại bằng nước lọc. Cà rốt và bắp cải thái sợi cũng nên trụng nhanh qua nước sôi để đảm bảo vệ sinh và giữ độ giòn.
Bước 2: Pha nước trộn gỏi
Dùng 2 thìa canh nước mắm, 1 thìa đường, nước cốt 1 quả chanh, thêm tỏi và ớt băm. Khuấy đều để đường tan hết, tạo thành hỗn hợp nước trộn đậm đà, chua ngọt cay nhẹ rất hài hòa.

Bước 3: Trộn gỏi
Cho tất cả nguyên liệu đã sơ chế vào thố lớn, rưới nước trộn đều lên và đảo nhẹ tay để gỏi ngấm vị mà không bị nát. Sau khi trộn xong, bày ra đĩa và rắc thêm vừng rang đã giã dập để tăng mùi thơm và vị bùi.
Vừng rang nên rang già một chút để tạo hương thơm đậm hơn khi ăn kèm gỏi. Món gỏi sứa chả lụa không chỉ mát lành, hấp dẫn mà còn rất thích hợp để đổi vị trong các bữa ăn gia đình, dịp lễ hay cuối tuần.

Chả lụa khi kết hợp cùng rau củ tươi và nước trộn chua ngọt không chỉ tạo nên món gỏi ngon mà còn rất đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng. Hãy lưu lại những cách làm gỏi chả lụa ở trên để thỉnh thoảng “đổi gió” cho bữa ăn thêm phần thú vị nhé! Chúc bạn thực hiện thành công!

Nguyễn Văn Thắng là một chuyên gia ẩm thực truyền thống với hơn 15 năm kinh nghiệm gắn bó cùng căn bếp Việt. Anh không chỉ là người am hiểu sâu sắc về món ăn dân tộc mà còn luôn trăn trở với việc gìn giữ và lan tỏa hương vị quê hương đến với cộng đồng hiện đại.