Nếu bạn đang tìm một cách chế biến tôm đơn giản mà vẫn giữ được vị tươi ngon vốn có, thì tôm thẻ hấp nước dừa là lựa chọn rất đáng thử. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách thực hiện món hấp này nhanh chóng và chuẩn vị nhất.
1. Nguyên liệu làm tôm thẻ hấp nước dừa
Nguyên liệu để làm món tôm thẻ hấp nước dừa bao gồm:
- 600g tôm
- 2 quả chanh
- 1 trái dừa xiêm
- 10g hành tioms
- 20g sả
- 1 trái ớt sừng
- 10g hành lá
- 2 thìa hạt nêm
- ½ thìa đường
- Hạt tiêu xay
- Muối

Khi mua tôm, bạn nên ưu tiên chọn tôm thẻ tươi sống, có vỏ ngoài trong suốt, bóng khỏe, không bị xỉn màu. Phần thân và đầu tôm cần dính chặt vào nhau, không bị tách rơi hay long đầu – dấu hiệu của tôm để lâu hoặc không còn tươi.
Ngoài ra, tôm tươi thường có mùi nhẹ đặc trưng của biển, không có mùi tanh hôi hay khai nồng. Bạn cũng có thể dùng tay nhấn nhẹ vào thân tôm, nếu thịt săn chắc, đàn hồi tốt thì đó là tôm đạt chất lượng. Chọn đúng tôm tươi sẽ giúp món ăn giữ trọn hương vị và giá trị dinh dưỡng.

2. Cách làm tôm thẻ hấp nước dừa
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Chúng ta sẽ sơ chế tôm trước bằng cách cắt bớt râu tôm, chân tôm và phần nhọn trên đầu tôm. Sau đó lấy tăm nhọn chọc vào thân tôm để lấy chỉ tôm ra cho sạch.
Tôm sau đó chúng ta sẽ rửa sạch lại với nước, cho thêm chút muối và vắt nửa quả chanh để tôm không bị tanh. Đảo đều vài lần rồi vớt tôm ra để ráo nước.

Hành tím chúng ta sẽ lột vỏ và thái lát mỏng. Sả bỏ vài lớp áo ngoài rồi cắt lát chéo. Ớt sừng sẽ thái chỉ, sau đó chúng ta sẽ ngâm vào nước để bớt hăng. Hành lá cắt thành đoạn dài, tỉa tiếp thành những sợi mỏng và cũng ngâm nước để sau trang trí.
Trái dừa sẽ cắt phần đầu để đổ nước dừa vào âu. Chúng ta sẽ dùng dao để tỉa lại phần miệng trái dừa cho tròn để sau trang trí cho đẹp.

Bước 2: Ướp tôm
Ướp tôm với 1 thìa hạt nêm, 1 nửa thìa đường, một chút tiêu trong vòng tầm 15 phút để tôm thấm đều gia vị.
Bước 3: Hấp tôm
Công đoạn này chúng ta có thể làm theo 2 cách:
– Cách 1: Hấp trực tiếp, cách này sẽ giúp tôm đậm vị và thơm mùi dừa hơn.
Một trong những cách làm tôm hấp nước dừa ngon nhất là hấp trực tiếp cùng nước dừa và gia vị. Phương pháp này giúp tôm thấm đều vị và giữ trọn hương thơm đặc trưng của nước dừa tươi.
- Đầu tiên, bạn cho một ít dầu ăn vào chảo, phi thơm hành tím và sả băm để dậy mùi.
- Sau đó cho tôm đã sơ chế sạch vào xào sơ, đảo nhẹ tay để tôm thấm gia vị nhưng không làm bung đầu tôm.
- Khi tôm bắt đầu săn lại và dậy mùi thơm, đổ nước dừa tươi vào chảo.
- Đậy nắp kín để hấp tôm. Sau khoảng 1 phút, mở nắp và đảo nhẹ để tôm chín đều hai mặt.
- Tiếp tục hấp thêm 1-2 phút nữa cho đến khi tôm chuyển sang màu đỏ cam đẹp mắt là có thể tắt bếp.
Lưu ý: Không nên hấp quá lâu để tránh làm tôm bị khô và mất đi vị ngọt tự nhiên. Phương pháp này giúp món tôm vừa mềm, vừa đậm đà hương vị dừa, cực kỳ thích hợp cho bữa cơm gia đình.

– Cách 2: Hấp cách thủy
Phương pháp hấp cách thủy là cách chế biến giúp giữ trọn vị ngọt tự nhiên và hương thơm của tôm. Để thực hiện món tôm hấp nước dừa bằng cách hấp cách thủy, bạn có thể làm theo các bước sau:
- Đầu tiên, đun sôi nước dừa tươi với lửa lớn trong nồi. Khi nước sôi, chuẩn bị tôm đã sơ chế sạch và xếp đều vào xửng hấp hoặc quanh miệng quả dừa đã khoét sẵn.
- Nên xếp tôm thành từng lớp để đảm bảo tôm được chín đều, không bị sống hoặc quá chín.
- Cho xửng hấp hoặc quả dừa đã xếp tôm vào nồi nước dừa đang sôi. Đậy kín nắp nồi để giữ nhiệt và mùi thơm.
- Hấp tôm trong khoảng 5-7 phút với lửa vừa, tùy theo kích thước của tôm. Tôm nhỏ có thể chín nhanh hơn, trong khi tôm sú hoặc tôm thẻ to sẽ cần thời gian lâu hơn.
- Canh thời gian hấp kỹ lưỡng để tôm chín tới, giữ độ dai ngọt và không bị nát thịt.
Phương pháp hấp cách thủy không chỉ giúp món ăn thơm ngon mà còn giữ được tối đa giá trị dinh dưỡng từ tôm và nước dừa.
Bước 4: Trình bày
Cho quả dừa lên đĩa, chúng ta sẽ xếp tôm vòng xung quanh với phần đuôi móc vào thành quả dừa. Sau khi đã xếp thành một vòng tròn đều, phần nước dừa xào đổ lại vào trong quả dừa, dùng một lá xà lách ở giữa và thả chút hành tím, ớt sừng lên trên.
Xung quanh quả dừa chúng ta có thể đặt vài lá xà lách để trang trí cho đẹp mắt. Món tôm thẻ hấp nước dừa này dùng với muối chanh ớt rất hợp. Tôm hấp trong nước dừa sẽ rất ngọt thịt, thơm thoảng mùi dừa và có một chút vị béo ngậy.

3. Những lưu ý để làm món tôm thẻ hấp nước dừa không tanh
Có một vài lưu ý giúp bạn thực hiện món ăn thành công ngay từ lần đầu tiên cũng như tránh được lỗi phổ biến:
- Chọn tôm tươi sống: Ưu tiên tôm có vỏ sáng bóng, thịt săn chắc, không mềm nhũn hay có mùi lạ.
- Dùng nước dừa tươi: Giúp tôm ngọt thanh, thơm hơn so với nước dừa đóng chai.
- Ướp tôm trước khi hấp: Dùng gừng, sả, rượu trắng hoặc chanh để ướp tôm 15–20 phút, giúp khử tanh hiệu quả.
- Thêm nguyên liệu khử mùi vào nồi hấp: Cho thêm vài lát gừng, sả hoặc lá chanh vào nồi khi hấp để tăng hương vị và át mùi hải sản.
- Có thể thêm rau củ vào hấp cùng: Ớt chuông, cà rốt, nấm hương,… giúp món ăn giàu màu sắc và dinh dưỡng.
- Điều chỉnh thời gian hấp phù hợp: Đối với tôm lớn (tôm sú, tôm thẻ): 5–7 phút, đối với tôm nhỏ: 3–5 phút
- Không hấp quá lâu: Giữ cho thịt tôm ngọt, không bị khô.
- Kiểm tra độ chín: Tôm chuyển sang màu đỏ cam là đạt. Dùng tăm xiên phần dày nhất, nếu không có nước trắng chảy ra là tôm đã chín.
- Biến tấu hương vị: Có thể thay nước dừa bằng bia hoặc nước luộc gà để tạo mùi vị mới lạ.

4. Câu hỏi thường gặp
4.1. Làm sao để tôm không bị khô, dai khi hấp?
Hấp tôm vừa chín tới, thường khoảng 5-7 phút tùy kích cỡ. Khi thấy vỏ tôm chuyển sang màu đỏ cam, thân cong lại là có thể tắt bếp. Hấp quá lâu khiến tôm bị teo, khô và mất độ ngọt.
4.2. Tôm hấp nước dừa ăn kèm với gì ngon?
Món này rất hợp khi chấm với muối tiêu chanh, nước mắm chua ngọt hoặc muối ớt xanh. Có thể ăn kèm rau răm, dưa leo, cơm trắng, hoặc cuốn bánh tráng rau sống chấm mắm nêm đều rất ngon miệng.
4.3. Tôm hấp nước dừa bảo quản được bao lâu?
Món ăn nên dùng ngay sau khi nấu xong để giữ độ ngọt và thơm. Nếu chưa dùng hết, để tôm trong hộp kín, bảo quản ngăn mát tủ lạnh và dùng trong vòng 24 giờ. Khi hâm lại nên hấp hoặc nấu lửa nhỏ để không làm tôm bị khô.
Tôm thẻ hấp nước dừa không chỉ dễ thực hiện mà còn phù hợp với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ nhờ hương vị dịu nhẹ, dễ ăn. Bạn đã sẵn sàng vào bếp thử làm ngay hôm nay chưa? Đừng quên theo dõi 36 Foods để bỏ túi thêm nhiều công thức nấu ăn thú vị khác với tôm tươi nhé!

Nguyễn Văn Thắng là một chuyên gia ẩm thực truyền thống với hơn 15 năm kinh nghiệm gắn bó cùng căn bếp Việt. Anh không chỉ là người am hiểu sâu sắc về món ăn dân tộc mà còn luôn trăn trở với việc gìn giữ và lan tỏa hương vị quê hương đến với cộng đồng hiện đại.