Nếu bạn muốn thử một món giò độc đáo mà vẫn giữ được vị ngọt tự nhiên của thịt bê thì cách làm giò bê xào chính là gợi ý không thể bỏ qua. Với hương vị giòn dai, kết cấu chắc thịt và dễ bảo quản, giò bê xào sẽ là món tủ mới của bạn sau khi đọc bài viết này!
1. Nguyên liệu làm giò bê xào
Để làm món giò bê xào thơm ngon, chúng ta cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:
- 1 kg thịt bắp bê
- 200g gân bò
- Rượu trắng
- Gừng
- Sả
- 1 thìa cà phê hạt màu điều
- 1 nhánh vỏ quế khô
- 2-3 quả thảo quả
- 4-5 bông hoa hồi
- Gia vị: Nước mắm, hạt nêm, đường phèn, dầu hào, tiêu

2. Cách làm giò bê xào tại nhà
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Thịt bò, gân và da chúng ta rửa sạch, luộc sơ qua với rượu trắng, một chút gừng, sả đập dập. Làm bước này sẽ giúp cho việc thái thịt và gân dễ dàng hơn, không những thế còn khử được mùi hôi của thịt bê.
Sau khi luộc sơ qua vài phút, chúng ta sẽ vớt thịt, gân và da vào một khay nước đá lạnh để làm nguội thịt bê, giúp thịt bê không bị bở mà sẽ hơi săn lại nhưng vẫn dễ thái hơn thịt sống. Gân bê thì nên thái thành đốt vuông còn thịt bê nên thái miếng dày cỡ 1cm.

Bước 2: Ướp thịt bê
Cho thịt bê đã thái vào bát tô, cho dầu hào, đường phèn, hạt nêm, tiêu ở lượng vừa phải (1-2 thìa cà phê tùy theo khẩu vị). Đeo găng tay nilon rồi đảo đều hỗn hợp thịt gân đã ướp gia vị sao cho phần gia vị trộn đều vào các miếng thịt. Ướp trong vòng 2 tiếng trong ngăn mát tủ lạnh.

Bước 3: Xào thịt bê
Khi thịt bê và gân bê đã ướp đủ thời gian, chúng ta sẽ đem đi xào. Trước tiên, chuẩn bị hoa hồi, thảo quả, một nhánh quế khô để đem sao lên cho thơm. Đây là các loại gia vị chuyên để khử mùi và đặc biệt nấu rất hợp với thịt bò, thịt bê.
Chúng ta sẽ cho hỗn hợp thịt và gân bê đã ướp vào xào cùng, bỏ thêm vài lát gừng và hạt màu điều (cho vào túi lọc). Cho thêm một chút nước lọc để xào cho dễ hơn. Đảo đều tay trong vòng tầm 2 tiếng cho đến khi hỗn hợp thịt gân bê sánh lại do gân và bì bê tiết ra collagen là có thể đem giò bê xào đi gói.

Bước 4: Gói giò
Cách 1: Gói kiểu truyền thống
Ở cách này các bạn cần chuẩn bị lá chuối, giấy xi măng (loại bọc thực phẩm màu vàng nhạt) hoặc giấy bọc thực phẩm chuyên dụng. Khi giò bê xào còn nóng, cho một lượng vừa đủ vào để gói. Gói chặt tay khi cuộn bước đầu tiên, lúc này giò bê vẫn còn mềm và dễ nén. Tiếp tục gói 2 đầu và dùng lạt buộc chặt để tạo hình cho cây giò.

Cách 2: Gói bằng hộp, chai, lọ tái chế
Các bạn có thể sử dụng chai nước ngọt, nước khoáng 1,5L hoặc hộp đựng cũng được miễn là có hình trụ hoặc dạng ống để có thể làm khuôn gói giò. Tốt nhất nên bọc lót một lớp bọc thực phẩm chuyên dụng ở trong, có thể lót lá chuối nếu các bạn muốn giò bê xào có một chút mùi thơm của lá chuối.
Cho giò bê xào vào dần dần và dùng muôi hoặc cái gì nặng để nén chặt từng lớp giò bê vào trong khuôn. Đến khi khuôn đầy cố gắng nén chặt một lần nữa rồi cố định phần đầu hở của khuôn.

Bước 5: Thành phẩm
Sau khi gói xong bạn để giò vào tủ lạnh. Giò bê xào được gọi là thành công nếu sau 2 ngày các bạn cắt ra kiểm tra thấy các thành phần bên trong kết dính chặt với nhau. Món giò bê xào thơm ngon, vị ngọt của thịt bê hòa với vị cay của tiêu cùng với độ dai giòn của gân bê kết hợp tạo thành một món ăn hoàn hảo.

3. Mẹo làm giò bê xào thành công ngay lần đầu
- Chọn nguyên liệu tươi ngon: Ưu tiên thịt bê mới mổ, còn ấm nóng, có màu hồng tươi, không có mùi lạ. Phần thịt nên có cả nạc, mỡ và gân để giò đạt được độ giòn, dai, mềm vừa đủ.
- Sơ chế kỹ lưỡng: Thịt và đặc biệt là da bê cần được làm sạch bằng muối hoặc rượu trắng để khử hoàn toàn mùi hôi. Nếu không xử lý tốt phần da, giò bê xào dễ bị ám mùi khó chịu, làm giảm chất lượng.
- Ướp và xào đều tay: Gia vị phải được ướp đều trước khi xào. Trong quá trình xào, cần đảo tay liên tục để thịt săn đều, thấm vị, tránh chín không đều.
- Ép giò thật chắc: Sau khi xào xong, cần ép giò chặt tay để các thành phần kết dính tốt. Nếu ép lỏng, khi giò nguội sẽ bị rời rạc, mất thẩm mỹ và hương vị.
- Làm nguội đúng cách: Sau khi ép xong nên để giò nguội tự nhiên, sau đó mới cho vào ngăn mát tủ lạnh để định hình.
4. Cách bảo quản giò bê xào được lâu
Cách bảo quản giò bê xào tốt nhất mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon chính là để giò trong ngăn mát tủ lạnh, duy trì nhiệt độ ổn định từ 0-4 độ C. Khi chưa sử dụng ngay, nên để nguyên cây giò và bọc kỹ bằng lá chuối hoặc giấy thực phẩm để tránh bị khô bề mặt cũng như hấp thụ mùi từ các thực phẩm khác.
Sau khi cắt giò để ăn, phần còn lại nên được bao bọc kỹ bằng màng bọc thực phẩm rồi đặt lại vào ngăn mát. Tuyệt đối không để giò bê hở trong tủ lạnh vì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, khiến giò nhanh bị hỏng.
Nếu muốn thời gian bảo quản lâu (trên 7 ngày), nên cho giò vào ngăn đá. Khi cần ăn, chỉ cần rã đông tự nhiên trong ngăn mát 1 ngày trước khi dùng. Lưu ý không rã đông bằng lò vi sóng vì có thể khiến kết cấu giò bị thay đổi, mất độ dai và mùi vị tự nhiên.

Nguyễn Văn Thắng là một chuyên gia ẩm thực truyền thống với hơn 15 năm kinh nghiệm gắn bó cùng căn bếp Việt. Anh không chỉ là người am hiểu sâu sắc về món ăn dân tộc mà còn luôn trăn trở với việc gìn giữ và lan tỏa hương vị quê hương đến với cộng đồng hiện đại.